Câu hỏi quan trọng nhất đời bạn
Nguồn: unplash.com
Ai cũng thích những điều tốt đẹp. Tất cả mọi người đều muốn sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ, hạnh phúc và thoải mái, muốn có những mối quan hệ tốt đẹp, muốn có đời sống tình yêu và tình dục tuyệt vời, muốn trông thật hoàn hảo và kiếm thật nhiều tiền, muốn nổi tiếng và được nể trọng.
Mọi người đều thích thế – rất dễ để thích thế.
Nếu tôi hỏi bạn “Bạn muốn những gì trong cuộc đời?” và bạn nói những câu đại loại như “Tôi muốn được hạnh phúc và có một gia đình tuyệt vời và được làm công việc tôi thích” thì câu trả lời ấy quá phổ biến đến nỗi nó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Câu hỏi thú vị hơn – một câu hỏi có lẽ bạn chưa từng suy nghĩ đến: “Bạn muốn trải qua những nỗi đau nào trong cuộc đời?” Bạn sẵn sàng chiến đấu vì điều gì? Đó mới là yếu tố quan trọng hơn quyết định đời ta sẽ ra sao.
Ai cũng muốn làm công việc đáng mơ ước và tự chủ tài chính – nhưng không phải ai cũng chịu làm việc tới 60 giờ mỗi tuần, đường xa, công việc giấy tờ chán ngấy để tìm cách thoát khỏi môi trường công sở thứ cấp và cuộc sống chỉ có cái bàn với bốn bức tường như địa ngục. Người ta muốn giàu mà không cần mạo hiểm, giàu mà không cần hy sinh hay chờ đợi quá lâu.
Ai cũng muốn có đời sống tình dục tuyệt vời cùng với mối quan hệ tốt đẹp – nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua những cuộc trò chuyện khó khăn, những khoảnh khắc lặng im ngượng nghịu, những lần bị tổn thương hay những ký ức tràn đầy cảm xúc. Họ dần thỏa hiệp. Họ thỏa hiệp và trăn trở từ năm này qua năm khác rằng “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như…?” cho tới khi câu hỏi ấy biến thành “Mọi chuyện đã qua nhanh như vậy sao?” Và tới khi phiên toà kết thúc, nhìn vào số tiền trợ cấp nuôi con trong hộp thư, họ mới tự hỏi “Mình làm tất cả những điều này là vì cái gì?”, nếu không phải là vì những tiêu chuẩn và kỳ vọng đã bị hạ thấp của họ từ 20 năm trước, thì là bởi vì điều gì?
Bởi vì có đấu tranh mới có hạnh phúc. Tích cực chính là hệ quả của việc giải quyết những điều tiêu cực. Bạn không thể nào tránh mãi những tiêu cực được, vì rồi một ngày nào đó nó cũng sẽ xuất hiện lại.
Xét về bản chất hành vi của con người, những nhu cầu của chúng ta cũng gần giống nhau. Những trải nghiệm tích cực thì chẳng có gì phải bàn. Cái chúng ta phải đấu tranh với chính là những trải nghiệm tiêu cực. Chính vì vậy, những thứ ta có được trong đời không đến từ cảm xúc tốt đẹp mà ta hằng mong muốn, nó đến từ những cảm xúc tồi tệ mà ta sẵn sàng và có khả năng chịu đựng để đưa ta đến với những cảm xúc tốt đẹp kia.
Ai cũng muốn có vóc dáng hoàn hảo. Nhưng bạn sẽ không có được nó nếu không chịu chấp nhận và biết ơn những nỗi đau thể xác cùng áp lực khi phải ở trong phòng tập thể hình suốt một khoảng thời gian dài, nếu không yêu thích việc tính toán và đo lường các thực phẩm bạn nạp vào cơ thể, hay lên kế hoạch chi tiết về cuộc đời mình với những khẩu phần ăn ít ỏi.
Ai cũng muốn bắt đầu một công việc kinh doanh và độc lập về mặt tài chính. Nhưng bạn sẽ không trở thành một doanh nhân thành đạt nếu bạn không tìm cách trân trọng những rủi ro, những điều không chắc chắn, rồi cả những thất bại liên tiếp cùng những giờ làm việc điên cuồng vì thứ mà bạn không biết liệu có thành công hay không.
Ai cũng muốn có một người đồng hành, một người tri kỷ. Nhưng bạn sẽ không thể thu hút bất kỳ ai nếu không trân quý những cảm xúc hỗn độn của sự từ chối, nếu không tạo nên sức cuốn hút không thể dứt ra từ cả hai phía, và nếu không có những khoảnh khắc thẫn thờ nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại ngóng chờ tiếng chuông báo. Bạn không thể chiến thắng nếu không hành động.
Câu hỏi quyết định thành công của bạn không phải là “Bạn muốn tận hưởng những gì?” mà là “Bạn muốn chịu đựng những nỗi đau nào?”. Chất lượng cuộc sống của bạn không xuất phát từ chất lượng những trải nghiệm tích cực mà nằm ở những trải nghiệm tiêu cực. Và giỏi đương đầu với những trải nghiệm tiêu cực cũng tức là giỏi đương đầu với những thử thách trong cuộc đời.
Ngoài kia có rất nhiều lời khuyên tồi tệ rằng: “Chỉ cần mong muốn đủ nhiều là bạn sẽ có được nó!”
Tất cả mọi người đều muốn gì đó. Và họ khao khát có nó. Chỉ có điều họ lại không nhận thức được mình muốn gì, hay chính xác hơn là không biết cái “đủ nhiều” đó sẽ như thế nào.
Bởi nếu bạn muốn hưởng lợi từ thứ gì đó, bạn cũng phải muốn đánh đổi vì nó. Ví dụ, nếu bạn muốn có vóc dáng bốc lửa, bạn cũng phải muốn những giọt mồ hôi, những đau đớn, những buổi sáng dậy sớm và cả những cơn đói đến quặn thắt. Còn nếu bạn muốn có du thuyền, bạn cũng phải muốn cả những đêm muộn, những đường đi nước bước mạo hiểm trong kinh doanh, và nguy cơ gây mất lòng không chỉ một mà còn có thể lên tới cả ngàn người.
Nếu bạn thấy mình mong muốn thứ gì đó từ năm này qua tháng nọ mà vẫn chưa có gì xảy ra, còn bạn thì không thấy mình đến gần mục tiêu hơn, vậy thì có lẽ thứ bạn thật sự muốn chỉ là ảo vọng, là một cái gì đó được lý tưởng hoá, là hình ảnh và lời hứa hẹn sai lầm. Có lẽ thứ bạn muốn không phải là thứ bạn thật sự muốn, bạn chỉ đơn giản là thích việc mình cứ “muốn” vậy thôi. Có thể bạn không thật sự muốn nó cho đến cùng.
Thỉnh thoảng tôi hỏi mọi người “Bạn chọn nỗi đau nào?” Thế là họ nghiêng đầu nhìn tôi như thể tôi mọc ra 12 cái mũi vậy. Nhưng tôi vẫn hỏi vì nó thể hiện nhiều về bạn hơn là những khát khao, ước mơ của bạn. Bạn phải chọn một thứ gì đó chứ, bạn đâu thể sống trọn một đời mà chẳng có niềm đau. Thế giới đâu phải chỉ có hoa hồng với lại kỳ lân. Và đến cuối cùng, câu hỏi khó trả lời này lại là câu hỏi quan trọng. Hỏi về niềm vui thì quá dễ rồi, hầu hết chúng ta đều có câu trả lời như nhau thôi. Hỏi về nỗi đau mới thú vị. Vậy, bạn chọn chịu đựng nỗi đau nào?
Câu trả lời đó thật sự sẽ thay đổi hướng đi của đời bạn. Đây chính là câu hỏi thay đổi cuộc đời. Nó là thứ tạo nên con người tôi và con người bạn. Nó giúp ta định nghĩa lại mình, làm mỗi người trở nên khác biệt và sau cùng là giúp ta gần nhau hơn.
Trong suốt những năm tháng mới lớn, tôi đã mơ ước trở thành một nhạc công – chính xác là một ngôi sao nhạc rock cơ đấy. Khi nghe bất kỳ bài guitar hầm hố nào đó, tôi luôn nhắm mắt lại, tưởng tượng mình đứng trên sân khấu chơi nhạc trong tiếng hò hét của đám đông khán giả, và họ hoàn toàn bị cuốn theo những ngón tay gảy đàn điệu nghệ của tôi. Những mơ tưởng ấy có thể chiếm lấy tâm trí tôi hàng giờ liền. Ước mơ này theo tôi lên tận đại học, kể cả khi tôi đã nghỉ học trường âm nhạc và ngừng chơi đàn chuyên nghiệp. Kể cả vậy đi chăng nữa, câu hỏi đặt ra không phải là liệu tôi có biểu diễn trước đám đông hò hét hay không, mà là khi nào. Tôi đã trả giá bằng thời gian của mình để có thể đầu tư thời gian, công sức biến giấc mơ ấy thành sự thật. Đầu tiên, tôi cần học xong đã. Rồi tôi cần kiếm tiền. Rồi tôi cần có thời gian. Rồi… Rồi không gì cả.
Mặc dù đã mơ ước về điều này hơn nửa đời, giấc mơ ấy chưa bao giờ thành hiện thực. Và phải tốn một quãng thời gian khá dài cùng rất nhiều trải nghiệm thì tôi mới tìm ra lý do tại sao: tôi không thật sự muốn nó.
Tôi đã chỉ yêu kết quả – hình ảnh tôi đứng trên sân khấu, khán giả cổ vũ, tôi cháy hết mình và chơi nhạc bằng cả trái tim – nhưng tôi đã không yêu cái quá trình để đạt kết quả ấy. Bởi vậy, tôi đã thất bại. Liên tục. Ôi, tôi còn chẳng cố để thất bại nữa kìa. Tôi hầu như chẳng cố làm gì hết.
Sự buồn tẻ, mệt mỏi trong những buổi tập hằng ngày, những công việc hậu cần cho việc tìm nhóm và tập luyện, sự vất vả trong việc tìm buổi diễn và rồi phải tìm cách thu hút khán giả tới xem. Dây đàn bị đứt, am ly bị hư, phải lôi hơn 13kg trang thiết bị đi đi về về mà không có xe ô tô để chở. Cứ như phải leo lên ngọn núi ước mơ cao cả ngàn mét. Mà cũng mất một khoảng thời gian khá lâu thì tôi mới biết thật ra mình cũng không thích “leo núi” cho lắm. Tôi chỉ thích cảnh đứng trên đỉnh núi thôi.
Theo văn hoá của chúng ta, chắc tôi được coi là kẻ thất bại, và rằng là kẻ từ bỏ, kẻ thua cuộc. Theo dòng sách tự lực (self-help), hoặc tôi chưa đủ dũng cảm, quyết tâm, hoặc tôi chưa thật sự tin vào bản thân mình. Còn theo các doanh nhân/ nhà khởi nghiệp thì tôi quá nhát, không dám theo đuổi ước mơ và đầu hàng trước cái phép thử thông thường của xã hội.
Nhưng sự thật thì không thú vị tới mức đó: tôi nghĩ mình muốn thứ gì đó, nhưng hoá ra tôi lại không muốn. Vậy thôi, hết chuyện.
Tôi đã muốn có phần thưởng chứ không muốn đấu tranh vì nó. Tôi đã muốn kết quả chứ không muốn quá trình. Tôi không thích chiến đấu mà chỉ yêu chiến thắng. Mà cuộc đời thì không có chuyện như thế.
Việc bạn là ai được định nghĩa bởi những giá trị mà bạn sẵn sàng đấu tranh vì nó. Những người tận hưởng việc vật vã tập gym thì có thân hình đẹp. Những người tận hưởng nhiều tuần làm việc dài đằng đẵng và cả những chiêu bài chính trị trong công ty để thăng chức là những người có thể trèo lên nấc thang sự nghiệp. Những người tận hưởng sự căng thẳng và cái bất ổn của lối sống nghệ sĩ đói khổ thì chắc chắn sẽ là những người sống được và hết mình với nghề.
Đây không phải là lời kêu gọi sức mạnh ý chí hay sự kiên gan bền chí. Đây cũng không phải là một cách nói khác của lời khuyên “thất bại là mẹ thành công”. Mà đây là yếu tố đơn giản nhất, cơ bản nhất của cuộc sống: những nghịch cảnh ta vượt qua sẽ quyết định thành công của ta. Vậy nên hãy chọn điều mình muốn tranh đấu một cách khôn ngoan, hỡi bạn của tôi.
Chú thích/Tài liệu tham khảo:
Mark, M. (2019, March 21). The Most Important Question of Your Life. Retrieved from https://markmanson.net/question
Nội dung trên HienPhapVietNam.Org đã cập nhật cho bạn thông tin về “Câu hỏi quan trọng nhất đời bạn❤️️”. Hy vọng qua bài viết “Câu hỏi quan trọng nhất đời bạn” sẽ giúp các bạn đọc có thêm nhiều thông tin về “Câu hỏi quan trọng nhất đời bạn [ ❤️️❤️️ ]”.
Bài viết “Câu hỏi quan trọng nhất đời bạn” được đăng bởi vào ngày 2022-07-31 19:14:22. Cảm ơn bạn đã đọc bài tại HienPhapVietNam.Org