Trường học ngày nay có thể dạy gì ngoài cách để thi đậu hay không?

BVBD18015-1-.jpg

Nguồn: unplash.com

Mời bạn cùng tôi mơ mộng một chút về lớp học lý tưởng của tôi. Điều đầu tiên bạn sẽ để ý ngay đó chính là cách bố trí trong phòng học. Không phải là những dãy bàn ngay ngắn trước tấm bảng đen, mà là những ghế ngồi thoải mái được sắp thành một vòng tròn lớn. Cách bố trí này gửi đi một thông điệp: đây là không gian thảo luận mở và có thể thoải mái trao đổi ý tưởng. Trên tường là tấm áp phích với lời trích dẫn của Bertrand Russell: “Hầu hết mọi người thà chết sớm còn hơn là suy nghĩ, và hầu hết đều gặt kết cục như vậy.” Sẽ có một tủ trưng bày những luận án của học sinh, bao gồm các chủ đề đa dạng như đạo đức kinh doanh, kỹ thuật, kiến trúc, lịch sử chính trị, ngôn ngữ học và triết lý của khoa học.
 

Các em học sinh bước vào và ngồi thành vòng tròn, sẵn sàng cho buổi thảo luận. Cô giáo sẽ ngồi chung với học sinh trong vòng tròn và đặt ra câu hỏi đi thẳng vào vấn đề: “Liệu hôm nay tôi có phải là cùng một người so với tôi của ngày hôm qua không?”. Ngay lập tức các cuộc tranh luận diễn ra. Giáo viên sẽ nói rất ít, chỉ đôi lúc đưa một vài câu hỏi để làm rõ một ý nào đó, hoặc để gợi ý cả lớp nên cân nhắc kỹ hơn về một luận điểm mà một bạn khác vừa đưa ra.
 

Sau cuộc thảo luận sôi nổi đầu tiên, mọi thứ dần dịu lại và giáo viên đưa ra một số nhận xét về sự khác biệt giữa những đặc tính thiết yếu và phi thiết yếu. Sau đó cô sẽ gợi ý cho học trò đọc một đoạn trích của triết gia John Locke, tiếp tục khơi gợi sự tranh luận và thảo luận của các em.
 

Các em học sinh đóng góp vào cuộc thảo luận bằng cách sử dụng những ý tưởng đã được học ở các môn học khác. Một em nói rằng tôi chính là tôi ngày hôm nay bởi vì DNA của tôi. Giáo viên yêu cầu giải thích cho ý tưởng này. Một em khác đặt nghi vấn lý thuyết này liệu có áp dụng cho các cặp song sinh không? Một em khác thì gợi ý rằng chúng ta đóng nhiều vai trò trong cuộc sống và những vai trò này sẽ định hình danh tính của ta.

Không khí trong lớp học thoải mái, hợp tác, thú vị; sự học được thúc đẩy bởi tính tò mò và hứng thú cá nhân. Giáo viên không đưa ra bất kỳ lời giải nào, thay vào đó là ghi chú những bình luận lên bảng giấy khi cả lớp cùng thảo luận. Buổi học cũng không nhất thiết kết thúc với một câu trả lời cụ thể. Trên thực tế, lớp học vẫn còn sôi nổi kể cả khi chuông đã reo, các em vẫn tiếp tục tranh luận khi rời khỏi lớp học.
 

Đây chính là lớp học lý tưởng của tôi. Thật ra thì nó còn hơn là một giấc mơ. Lớp học thực sự của tôi đôi khi cũng trông như vậy, ít nhất là có đôi lần như vậy. Tôi nhận thấy rằng khi tôi dạy những tiết học mà các em được chủ động tham gia vào việc thảo luận, tranh luận và đặt câu hỏi, thì chúng thường sẽ thấy mãn nguyện và đáng nhớ hơn, cả cho người học và người dạy. Chính vì vậy mỗi khi có thể, tôi đều cố gắng tổ chức lớp học như vậy.
 

Nhưng sự thật đáng buồn đó là phần lớn các tiết học đã được xác định một mục tiêu rõ ràng. Với hầu hết giáo viên và học trò, trải nghiệm trong lớp học đã được định hình đến từng chi tiết nhỏ, bởi vì chúng ta được yêu cầu phải chuẩn bị cho các kỳ thi. Khi bước vào lớp học, mối quan tâm của các em không dành cho các cuộc thảo luận mở hay tìm câu trả lời, mà sẽ tập trung vào việc học “những gì mình cần” để có thể vượt qua kỳ thi tiếp theo. Nhiều khả năng mỗi bài học đều sẽ có “kết quả học tập” được lấy trực tiếp từ giáo trình kiểm tra. Sẽ có những quyển sách giáo khoa với lời bình của người ra đề, ngân hàng các câu hỏi và những ghi chú với “các câu trả lời mẫu”. Các lớp học ngày nay giống với trại đào tạo quân đội hơn là một không gian mở cho việc tự do mưu cầu tri thức, các học sinh được đào tạo để tạo ra những câu trả lời hoàn hảo nhất cho những câu hỏi trong kỳ thi.
 

Nếu bạn không phải là một giáo viên, hay gần đây cũng chưa nói chuyện với con bạn về trải nghiệm của chúng tại trường học, có thể bạn sẽ bị shock khi biết rằng văn hóa “dạy để thi” đã tràn ngập khắp nền giáo dục. Kiểu tư duy này được nói đến với một thái độ khinh thường trong một khảo sát đối với các nhân viên trong trường đại học. Thiếu tính tò mò và “yêu thích việc tìm hiểu” là những câu trả lời được ghi nhận trong khảo sát, và nguồn gốc của kết luận này có thể truy ngược lại cách dạy học để chuẩn bị cho thi cử. Cách dạy này được định nghĩa là cách tiếp cận “khô khan thiếu niềm vui”, mà ở đó học sinh nghĩ rằng việc học “chỉ đơn giản là biết đáp án đúng”. Cách dạy này không chỉ giới hạn trong một số dạng kiểm tra mà đã được “ăn sâu vào toàn bộ hệ thống giáo dục.” Trong quyển sách Not for Profit (2010), Martha Nussbaum nói về cách dạy này như sau:

Dạy để thi” đang dần thống trị các trường học công. Nó tạo ra một môi trường thụ động cho học sinh và sự thiếu sáng tạo của giáo viên. Trí tưởng tượng và cá tính, điều tạo nên sự dạy và sự học tuyệt vời nhất của con người gần như không có chỗ để tồn tại.

Trong một khảo sát cho giới học thuật, 87% giảng viên nghĩ rằng việc “dạy để thi” chính là một nhân tố góp phần lớn vào việc các học sinh không đủ năng lực để theo học bậc đại học. Hãy hỏi chính các em học sinh và chúng cũng sẽ đồng ý như vậy. Trong một buổi phỏng vấn phục vụ cho diễn đàn Davos năm 2016 tranh luận về Tương lai của Giáo dục, một học sinh đến từ Hồng Kông phát biểu rằng cậu cảm thấy cách tiếp cận hiện tại của các trường học đã “tạo nên những thiên tài công nghiệp xuất sắc trong thi cử” nhưng lại “dễ dàng gục ngã khi đối mặt với thử thách”.
 

Xem ngay  Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển của tôn giáo

Triết gia Karl Popper trong quyển sách Unended Quest (1974) đã mơ về một trường học lý tưởng của mình. Ông tưởng tượng một thứ hoàn toàn đối ngược với “học để thi”, nói cách khác đó là một nơi mà sự học được tự do, xuất phát từ tình yêu tri thức đến từ bên trong, thay vì chỉ đơn thuần là chuẩn bị cho các bài kiểm tra:

Nếu như phải nghĩ về tương lai, tôi ước mơ rằng một ngày nào đó sẽ thành lập một ngôi trường mà ở đó người trẻ có thể học hỏi mà không biết chán, và sẽ được khuyến khích đặt ra các vấn đề và thảo luận về chúng; một ngôi trường mà ở đó tất cả câu hỏi đều được lắng nghe và giải đáp; ở đó không ai phải học vì mục đích thi qua môn cả.

Tôi cũng chia sẻ giấc mơ của Popper. Tôi cho rằng trường học sẽ trở nên thú vị hơn và hiệu quả hơn khi mà thay vì chỉ đơn giản dạy cho học sinh đối phó với các kỳ thi, chúng ta dạy cho các em cách tư duy độc lập.

Để hiểu được cách để có thể đạt được giấc mơ này, chúng ta cần phải nhớ lại điều mà triết gia Socrates đã chỉ ra hàng ngàn năm trước – điều mà chúng ta, trong sự sốt sắng biến trường học thành những động cơ năng suất kinh tế, đã quên mất – đó chính là giáo dục là một quá trình triết học. Nó bắt đầu với việc đặt câu hỏi, tiếp theo là tìm kiếm câu trả lời, và hướng đến việc thấu hiểu sâu sắc hơn. Hành trình mưu cầu tri thức này được thúc đẩy bởi việc suy ngẫm phản biện, thảo luận và tranh luận. Nó không dẫn đến câu trả lời cuối cùng nhưng nó sẽ khiến ta thấy một niềm trân trọng về sự giới hạn trong tri thức của ta, về cả thế giới xung quanh và chính bản thân bí ẩn của ta.
 

Sự trân trọng này được Socrates gọi là “trí tuệ”. Ông đã cố gắng để đồng bào Athens của mình bắt đầu suy nghĩ cho bản thân, bằng cách đặt câu hỏi để phơi bày sự hiểu biết hạn chế của họ về những khái niệm cốt lõi trong cuộc sống, chẳng hạn như công lý hay lòng can đảm. Khi thực hiện trong một tinh thần xây dựng, cách đặt câu hỏi kiểu Socrates sẽ trở thành điểm khởi đầu cho một quá trình mưu cầu tri thức để mở rộng sự hiểu biết của chúng ta. Nó cũng có thể tạo ra sự khiêm nhường và cởi mở với ý tưởng của người khác.

Nếu như trường học muốn hoàn thành sứ mệnh của nó, thì nó không thể nào lờ đi khía cạnh triết học này được. Nó không thể nhìn bản thân mình đơn giản chỉ là kẻ ban phát kiến thức cần thiết để thành công trong sự nghiệp, mà phải là một cộng đồng của những triết gia, là không gian mà học sinh có thể khám phá ý nghĩa của điều chúng đang học, và tự mình định nghĩa đối với chúng sống một cuộc đời xứng đáng sẽ là như thế nào. Nếu hiểu theo khía cạnh này, giáo dục triết học không thể chỉ là một môn học riêng lẻ, mà là một cách tiếp cận sự học mà có thể áp dụng ở tất cả mọi nơi trong giáo trình học.
 

Một khi giáo viên trở thành những người hướng dẫn theo phong cách Socrates, họ sẽ kích thích học sinh phải tự suy nghĩ, hơn là thụ động hấp thụ thông tin.
 

Giáo dục triết học bắt đầu khi người thầy nắm lấy vai trò là một “người dẫn dắt kiểu Socrates”. Trong một lớp học truyền thống, người thầy được nhìn nhận như là người cung cấp những kiến thức mà sinh viên “cần biết”, điều này được quyết định bởi những yêu cầu trong các bài kiểm tra. Giáo dục triết học lại theo đuổi hình thức cùng nhau mưu cầu tri thức, một quá trình mà giáo viên dẫn dắt cả lớp đến việc thấu hiểu vấn đề thông qua đối thoại, thay vì độc thoại.
 

Hình mẫu cho hình thức mưu cầu tri thức này chính là Socrates, người đã từng chứng minh rằng, bằng quá trình đặt câu hỏi, ông có thể dạy hình học cho một cậu bé nô lệ mà trước đây chưa từng bao giờ biết đến toán học. Khi người thầy đóng vai trò như một người dẫn dắt học trò bằng câu hỏi, họ sẽ khơi gợi các em suy nghĩ độc lập về vấn đề được đặt ra, thay vì chỉ thụ động tiếp thu kiến thức.
 

Kết quả của hình thức dạy học này rất đáng kể và kinh ngạc. Tôi từng dành một năm để dạy một lớp triết học (không bắt buộc) dành cho các em học sinh 17 tuổi. Môn học không hề có giáo trình chính thức và bài kiểm tra. Chúng tôi chỉ đơn giản thảo luận những câu hỏi triết học thú vị, ví dụ như vì sao ngôn ngữ lại có ý nghĩa mà nó đang có và liệu chúng ta có thể biết tất cả được không. Phương pháp tôi sử dụng là của Socrates. Chúng tôi thảo luận về các câu hỏi mà không cần phải đi đến một kết luận chung nào. Cuộc thảo luận diễn ra trong không khí thoải mái, vui vẻ và bình dị; đến mức sau đó tôi phải tự hỏi không biết là cả lớp đã học được bao nhiêu.

Vậy mà vài năm sau, Alastair Parvin, một trong những cậu học trò năm ấy, nay đang có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực kiến trúc, nói rằng những buổi thảo luận triết học ấy đáng nhớ như thế nào: “Thật mâu thuẫn khi chúng tôi chưa bao giờ phải chuẩn bị cho bài kiểm tra nào, nhưng tôi lại có thể nhớ được hầu hết các bài học hơn là những môn tôi đang học tại thời điểm ấy!” Đối với Parvin, cơ hội để “tư duy vượt ra bên ngoài chiếc hộp” là một trải nghiệm giáo dục đầy mạnh mẽ và tự do. Đó là điều mà cậu đã tiếp tục duy trì trong sự nghiệp của mình và đạt được nhiều kết quả đáng nể, ví dụ như bài diễn thuyết trên TED của cậu về kiến trúc dân chủ.
 

Xem ngay  Kinh tế nông nghiệp Việt Nam thời cận đại

Dĩ nhiên, việc học không chỉ bao gồm việc đối thoại trong lớp học. Để tư duy tốt, đòi hỏi phải có kiến thức. Nếu như mô hình học tập của chúng ta là tham gia vào những cuộc thảo luận về ý tưởng, thì cuộc thảo luận ấy sẽ phong phú và sâu sắc hơn rất nhiều nếu như học sinh được tiếp cận với “những gì tốt nhất đã từng được nghĩ đến và được nói ra”, như Matthew Arnold đã nói trong quyển Culture and Anarchy (1869). Hình thức này chính là khái niệm truyền thống “prep” (chuẩn bị): đọc những tài liệu cần thiết trước khi đến lớp. Những năm gần đây nó đã được quảng bá lại với tên gọi “lớp học đảo ngược” (flipped classroom), nghĩa là giai đoạn tiếp nhận thông tin được thực hiện theo cá nhân trước mỗi buổi học, điều này mang lại thời gian để thảo luận về những vấn đề hóc búa, đòi hỏi tư duy phân tích tranh luận và khả năng đặt câu hỏi truy cầu.
 

Sẽ có những người đặt nghi vấn liệu việc “dạy một người cách tư duy” có khả thi không, nhưng thật ra điều này có thể diễn ra một cách tự nhiên dưới những điều kiện phù hợp. Suy cho cùng thì chúng ta học bằng cách nào? Aristotle cho rằng chúng ta học thông qua thực hành. Việc học không chỉ là thụ động hấp thu kiến thức, nó diễn ra khi chúng ta thử làm một việc gì đó. Chúng ta học cách bơi bằng cách thử bơi; chúng ta học cách thổi sáo khi thử chơi sáo. Nhưng điều Aristotle không nhắc đến đó là việc cần có sự giám sát: chúng ta cần một người theo dõi chúng ta để có thể chỉ ra những điểm sai của ta, và cách để cải thiện chúng. Việc học chính là quá trình thử nghiệm có giám sát.
 

Chúng ta có thể ứng dụng điều này vào câu hỏi tiếp theo: Làm thế nào một người có thể được dạy cách suy nghĩ? Các em học sinh học cách tư duy bằng cách suy nghĩ, dưới sự giám sát cẩn thận của một người dẫn dắt có thể đưa ra những chỉ dẫn về cách cải thiện quá trình tư duy của các em.
 

Chính quá trình dẫn dắt bằng cách đặt câu hỏi này, khi được thực hiện trong một cộng đồng mưu cầu tri thức, sẽ bắt đầu hình thành những người có khả năng tư duy độc lập. Nhưng sự trưởng thành và phát triển đòi hỏi thời gian. Trong một lớp học mà mục tiêu chỉ tập trung vào các học phần nhỏ nối tiếp nhau liên tục, thì thật khó để có thời gian cho việc tư duy sâu sắc. Những bài tập theo dự án sẽ là môi trường tốt hơn để nuôi dưỡng trí tuệ của các em.
 

Thực hiện một dự án là cả một quá trình, không phải chỉ là một việc đơn lẻ, và nó có thể mất hàng tuần, hoặc hàng tháng. Chính vì thế, những năng khiếu giá trị có thể được phát triển, ví dụ như lên kế hoạch, sự kiên định, bền chí, học hỏi từ sai lầm, sáng tạo ứng biến và liên tục phản biện chính mình. Điều này cho thấy giá trị của của những dự án trong một mô hình giáo dục mà nhắm đến việc phát triển năng lực tư duy độc lập.

Trên khắp thế giới, niềm vui học tập đang bị hút cạn và giáo dục được gói gọn trong một quá trình “truyền đạt” khô khan, vô hồn bởi nhu cầu của các bài kiểm tra chuẩn hóa.

Dạy học trò cách tư duy là một mục tiêu đáng khen ngợi. Nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng nếu để học sinh tự do, hầu hết chúng sẽ không biết đường đi tiếp. Lập luận này cho rằng, trước khi học sinh có thể tư duy độc lập, chúng cần một lượng lớn kiến thức nền tảng. 
 

Lập luận này có cơ sở, nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ vẫn đang có một cái nhìn khá ngây thơ về khái niệm học tập độc lập. Những người ủng hộ quan điểm học tập độc lập cho rằng “sự khám phá tự do”, mà ở đó học sinh được cho phép thoải mái quyết định mình sẽ học cái gì và như thế nào, là phương pháp tốt nhất. Nhưng những người ủng hộ quan điểm giáo dục là quá trình trang bị cho người trẻ khả năng tư duy độc lập cũng cần phải thừa nhận tầm quan trọng của việc truyền đạt kỹ năng và thông tin trước khi một quá trình tự học có thể diễn ra.
 

Liệu bạn có giới thiệu “Trường Tự Học Lái Xe” cho con trai hay con gái của một người bạn không? Câu trả lời là có và không. Chắc chắn chúng sẽ thấy không hài lòng khi buổi học lái đầu tiên chúng được giao chìa khóa xe, và được lệnh rằng hãy nổ máy và học từ những sai lầm của mình. Nhưng ở khía cạnh khác, chắc chắn chúng ta muốn mọi người học lái một cách tự lập; người thầy hướng dẫn cần phải lùi về hậu trường. Như vậy, nếu muốn có quá trình “học tự lập” thì cần xem xét mối quan hệ giữa nó với cách chỉ dẫn theo truyền thống.
 

Trong mô hình học tập tự lập, không có giả định rằng học sinh tự có khả năng tư duy độc lập. Thay vào đó, khả năng này được phát triển thông qua sự dạy dỗ. Đây là một suy nghĩ hơi có phần mâu thuẫn, nhưng nó lại đúng là vậy: học sinh cần phải được dạy cách tự lập. Trong ví dụ đầu bài, người thầy đang dẫn dắt cuộc thảo luận: giới thiệu những lập luận chủ chốt tại những thời điểm then chốt, nhấn mạnh việc sử dụng lý lẽ, tóm tắt và phê bình các lập luận, giới thiệu thuật ngữ, và giải thích những khái niệm quan trọng. Rõ ràng là người thầy đưa ra rất nhiều hướng dẫn, nhưng không phải bằng cách đứng thuyết giảng cho học sinh cách suy nghĩ.
 

Để nuôi dưỡng khả năng tư duy độc lập của học sinh, cả thầy giáo và học sinh cần phải phối hợp với nhau trong một quá trình chuyển giao trách nhiệm học tập. Ở giai đoạn đầu, và thậm chí là ở một vài điểm trong quá trình này, sẽ có rất nhiều chỉ dẫn trực tiếp được đưa ra, nhưng cần phải hiểu rõ rằng đó không phải là mục đích, mà nó chỉ là phương tiện để phát triển năng lực tư duy của học sinh và khả năng làm việc độc lập. Các em được dạy cách suy nghĩ tự lập. Khi quá trình này diễn ra, sự độc lập sẽ phát triển.
 

Xem ngay  Con đường tơ lụa trên biển thời Hán

Đến điểm này, giáo viên có thể sẽ thắc mắc về những bài kiểm tra đầy quan trọng kia. Liệu chăng kết quả sẽ tụt giảm nếu ta thay đổi việc “dạy để thi” sang “dạy để nghĩ” chăng? Không đúng, thời gian dạy học trò cách nghĩ chính là thời gian đầy giá trị, và lợi ích nhận được sẽ trải dài suốt các khía cạnh khác của việc học. Những em được dạy cách tư duy, phân tích, và phản tỉnh sẽ được trang bị tốt hơn để đối đầu với những bài kiểm tra thử thách. Chúng sẽ linh hoạt hơn trong việc diễn giải câu hỏi, và chúng sẽ chuyển từ việc trả lời theo mẫu sang trả lời bằng lập luận và phân tích. Nói cách khác, nếu như các em đã học cách suy nghĩ hiệu quả hơn, chúng sẽ có khả năng suy nghĩ tốt hơn về những gì chúng cần làm khi bài kiểm tra đến gần.
 

Mặc dù đã có những bằng chứng về lợi ích của việc dạy cho học sinh tư duy triết học, nhưng hầu hết hình thức giáo dục của chúng ta vẫn rất truyền thống và lố bịch. Trên khắp thế giới, niềm vui học tập đang bị hút cạn dần và giáo dục nay bị thu hẹp lại thành một quá trình “truyền đạt” vô hồn và khô khan những giáo trình định trước, được quyết định bởi những bài kiểm tra chuẩn hóa và chỉ hướng đến việc thỏa mãn những thước đo bên ngoài.
 

Ngoài việc gây tổn hại đến sự phát triển trí tuệ của học sinh, hình thức tiếp cận theo thi cử này còn có hại với xã hội và chính trị nói chung. Kết quả của việc dạy mà không có bất kỳ thử thách gì, hay không có những bất đồng quan điểm, hoặc không chấp nhận những câu trả lời khác cho những vấn đề cuộc sống, sẽ là đào tạo ra những bộ óc bị giới hạn: những bộ óc héo mòn không có năng lực tự vấn những gì chúng được dạy bảo. Những trường học kiểu này thất bại trong việc cung cấp cho người trẻ khả năng phản tỉnh với luồng thông tin số hóa diễn ra liên tục, cũng như những thông tin sai lệch mà chúng đang ngập tràn trong đó. Chúng ta đang mạo hiểm nuôi dưỡng một thế hệ không có khả năng chống lại sự quyến rũ của ngôn từ đơn giản, dân túy hay dân chủ.
 

Ngược lại, những học sinh được dạy cách tư duy độc lập được chuẩn bị tốt để vào đời: sẵn sàng đối diện với những biến đổi không chắc chắn của tương lai, tư duy độc lập và sáng tạo, và đóng vai trò là những công dân tích cực, có năng lực phản tỉnh trong quá trình ra quyết định dân chủ. Mặc dù sự tập trung của giáo dục triết học còn vượt xa hơn việc kiếm việc làm, nhưng nó cũng mang lại lợi ích cho học sinh, bởi vì trong một thế giới thay đổi chóng mặt và khó đoán biết, môi trường công sở của tương lai không cần những con cừu công nghiệp, mà nó cần những cá nhân có thể suy nghĩ độc lập và sáng tạo; những cá nhân tự tin này không kỳ vọng người khác sẽ nói cho họ biết câu trả lời đúng là gì, mà họ biết cách tự suy nghĩ và tìm ra con đường tiến về phía trước.
 

Socrates từng nói một cuộc đời không tra vấn là cuộc đời không đáng sống. Vậy mà với học sinh thời nay, giáo dục có nghĩa là một cuộc đời chỉ để học thi. Điều tuyệt vời nhất có thể diễn ra trong các trường học bây giờ không phải là cải cách cấu trúc, quy trình, giáo trình hay cách đánh giá, mà là việc khám phá lại mục đích giáo dục của Socrates, một tầm nhìn mà đã cho phép ông ngồi với cậu bé nô lệ, nhà thơ và chính trị gia, để truyền cảm hứng cho họ suy nghĩ độc lập.
 

Một điểm đặc biệt của những cuộc đối thoại kiểu Socrates này đó là cậu bé nô lệ cuối cùng lại giỏi hơn những nhà lãnh đạo Athen bụng đầy kiến thức. Sau cuộc gặp gỡ với Socrates, cậu đã được học về toán học, trong khi những kẻ đáng lý ra cần phải biết điều mình đang nói đến là gì lại thất bại trong việc giải thích những gì mà họ nghĩ là họ biết.
 

Điều này cho ta biết giới hạn và quyền lực của những cuộc đối thoại kiểu Socrates trong giáo dục. Bạn có thể nghĩ rằng phương pháp này chỉ có thể hiệu quả với những người giàu có, những người đã rất giỏi trong hệ thống giáo dục. Nhưng bạn đã sai rồi. Những nghiên cứu gần đây về hiệu quả của phương pháp đối thoại Socrates với trẻ em cấp 1 đã cho thấy kết quả rằng nó nâng cao năng lực của chúng trong cả môn tập đọc và toán học. Hơn thế nữa, hiệu ứng tích cực nhất được tìm thấy ở các em học sinh kém may mắn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài những lợi ích và tư duy, những cuộc đối thoại kiểu Socrates còn nâng cao sự tự tin và sự khéo léo của học sinh.
 

Để thu hẹp khoảng cách thành tích trong trường học, hãy đi ngược lại nơi giáo dục bắt đầu và làm như Socrates đã làm: cùng ngồi với học trò của mình, đặt ra những câu hỏi, và thông qua việc đối thoại, dạy cho chúng điều quan trọng nhất – đó chính là cách tư duy độc lập và tự do.

Nguồn: https://aeon.co/essays/can-school-today-teach-anything-more-than-how-to-pass-exams

Nội dung trên HienPhapVietNam.Org đã cập nhật cho bạn thông tin về “Trường học ngày nay có thể dạy gì ngoài cách để thi đậu hay không?❤️️”. Hy vọng qua bài viết “Trường học ngày nay có thể dạy gì ngoài cách để thi đậu hay không?” sẽ giúp các bạn đọc có thêm nhiều thông tin về “Trường học ngày nay có thể dạy gì ngoài cách để thi đậu hay không? [ ❤️️❤️️ ]”.

Bài viết “Trường học ngày nay có thể dạy gì ngoài cách để thi đậu hay không?” được đăng bởi vào ngày 2022-08-02 19:06:02. Cảm ơn bạn đã đọc bài tại HienPhapVietNam.Org

Rate this post

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button